10 mẹo sử dụng Google Play hiệu quả

Google play là ứng dụng dành cho hệ điều hành android. Đây là nơi bạn có thể tìm thấy hầu hết các phần mềm, tiện ích cho điện thoại. Nó được ví như là kho ứng dụng khổng lồ, một siêu thị ngăn nắp cho phương tiện giải trí thông minh của điện thoại, máy tính bảng. Ngoài ra, với Google Play, bạn còn có thể quản lý thiết bị của mình, thiết lập thông báo, kích hoạt tự động cập nhật và nâng cao trải nghiệm Android. Hãy cùng tìm hiểu 10 mẹo khai thác và sử dụng hiệu quả các dịch vụ của google play.
1. Quản lý các thiết bị thông qua Web
Bạn có thể truy cập gian hàng Google Play thông qua trình duyệt web trên máy tính. Giao diện web cung cấp một số tùy chọn không có trên phiên bản Android, bao gồm khả năng quản lý tất cả các thiết bị Android có kết nối tới tài khoản Google của bạn.

Để thấy danh sách các thiết bị Android, hãy truy cập play.google.com. Sau đó, click vào biểu tượng có hình giống bánh răng ở góc trên bên phải màn hình rồi bấm vào Cài đặt. Để thay đổi tên của một thiết bị trong danh sách, hãy bấm vào nút Chỉnh sửa, gõ tên mới cho máy rồi bấm vào Cập nhật.


2. Cài đặt mail và thông báo
Cài đặt của Google Play nền web còn cho phép bạn chỉnh sửa tùy chọn nhận mail và thông báo từ gian hàng này. Bạn cần mở mục Cài đặt như đã hướng dẫn ở mục trên rồi kéo xuống phía cuối màn hình. Tại đây, bạn sẽ thấy hai ô tick. Nếu bạn muốn nhận tin tức và các đợt khuyến mãi từ Google Play, hãy tick vào ô thứ nhất. Nếu bạn muốn nhận email thông báo khi nhà phát triển ứng dụng phản hồi lại đánh giá của bạn về ứng dụng của họ, chọn ô thứ hai.
3. Xem lại hóa đơn, thông báo vấn đề và đòi hoàn tiền
Để xem các giao dịch trả tiền trên Google Play, hãy click vào hình bánh răng ở góc phải phía trên màn hình máy tính và bấm vào Đơn đặt hàng của tôi.
Danh sách này liệt kệ thông tin chi tiết về các nội dung bạn đã mua, bao gồm tên vật phẩm, giá, thời điểm giao dịch, loại vật phẩm và tình trạng (đã bãi bỏ, hoàn tất, v.v.). Bạn có thể phân loại các vật phẩm bằng cách bấm vào menu đổ ở phía bên trái. Tại Việt Nam, Google mới chỉ cho phép mua sách và ứng dụng thông qua Play Store.
Để thông báo vấn đề với một ứng dụng, sản phẩm hay dịch vụ nào đó, hoặc đòi hoàn tiền, bạn chỉ cần đưa chuột vào giao dịch tương ứng và bấm vào hình 3 dấu chấm. Sau đó, chọn Báo cáo sự cố. Một cửa sổ pop-up sẽ hiện ra, liệt kê các kiểu sự cố phổ biến. Bạn cần chọn kiểu sự cố của bạn, dịch vụ sẽ tự động đưa ra giải pháp. Nếu vấn đề của bạn không có mặt trong danh sách này, bạn có thể tự nhập thông tin vào phía dưới và gửi yêu cầu. Sau đó Google sẽ liên lạc với bạn qua email để giúp bạn.
4. Bảo vệ giao dịch bằng mật khẩu
Bạn nên bảo vệ các giao dịch bằng mật khẩu của mình để đề phòng trường hợp mua nhầm, không đúng với yêu cầu hoặc nếu có người khác, nhất là trẻ em dùng máy của bạn. Khi được kích hoạt, tính năng này sẽ yêu cầu bạn phải nhập mật khẩu Google trước khi tiến hành mua ứng dụng.

Bạn hãy vào ứng dụng CH Play, bấm vào hình ba dấu chấm ở góc trên bên phải màn hình và chọn Cài đặt. Ở dưới phần Kiểm soát của người dùng, bạn hãy tick vào mục Mật khẩu. Máy sẽ yêu cầu bạn nhập mật khẩu của tài khoản Google. Sau đó, bấm OK là bạn đã hoàn tất.


Nếu bạn mua 2 ứng dụng/sách trong vòng 30 phút, bạn sẽ không phải nhập mật khẩu cho lần giao dịch thứ hai.
5. Tự động cập nhật ứng dụng
Tính năng tự động cập nhật ứng dụng của Google Play sẽ giúp bạn không phải bấm vào từng thông báo cập nhật của các ứng dụng. Đôi khi các thông báo này sẽ trở nên rất khó chịu nếu bạn có nhiều ứng dụng và chúng được cập nhật thường xuyên.
Để kích hoạt, hãy bấm vào phím Menu hình 3 dấu chấm ở góc phải phía trên và chọn Cài đặt trên ứng dụng CH Play của Android. Bạn sẽ thấy mục Tự động cập nhật các ứng dụng. Bạn có thể chọn cập nhật bất cứ lúc nào hoặc chỉ cập nhật qua WiFi.
Tuy nhiên, một số ứng dụng trước khi cập nhật sẽ vẫn thông báo với bạn bởi các thay đổi có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo mật, cần được sự đồng ý của người dùng.
6. Tự động thêm tiện ích con (widget) khi cài ứng dụng mới
Widget là một trong những điểm tuyệt nhất của ứng dụng Android. Chúng cho phép bạn sử dụng hoặc theo dõi một số tính năng của ứng dụng một cách nhanh chóng. Google Play có thể tự động thêm widget của ứng dụng vào màn hình chủ mỗi lần bạn tải ứng dụng đó về.
Để kích hoạt, hãy truy cập vào mục Cài đặt của ứng dụng Google Play trên Android và chọn Tự động thêm tiện ích. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên tải về nhiều ứng dụng, có lẽ tính năng này sẽ làm bạn khó chịu mỗi khi phải "dọn dẹp" màn hình.
7. Lọc nội dung Google Play

Google Play đưa ra một vài cài đặt lọc nội dung, nhờ đó bạn có thể giới hạn các loại nội dung bạn muốn tải về thiết bị thông qua tài khoản của mình.


Bạn cần vào mục Cài đặt của ứng dụng Google Play trên Android, chọn Lọc nội dung. Bạn có thể thiết lập các loại ứng dụng bạn muốn một cách chi tiết bằng cách tick hoặc bỏ các tùy chọn "Mọi người", "Trẻ vị thành niên", "Thanh thiếu niên", "Người lớn" hoặc "Hiển thị tất cả ứng dụng".
8. Xem ứng dụng trên Web và gửi về thiết bị
Trang web của Google Play cho phép bạn tải ứng dụng về smartphone hoặc máy tính bảng Android mà không phải chạm vào chúng. Tính năng này rất có ích bởi phiên bản web của Google Play cho phép bạn tìm kiếm và tìm hiểu về ứng dụng một cách dễ dàng hơn trên thiết bị di động.
Trước tiên, bạn cần đăng nhập vào tài khoản Google khi vào trang play.google.com. Sau đó, ở trang ứng dụng bạn muốn cài đặt, hãy bấm vào phím Cài đặt màu xanh lá cây ở phía dưới tên ứng dụng. Nếu ứng dụng tương thích với thiết bị của bạn, hệ thống sẽ liệt kê các quyền mà ứng dụng này yêu cầu để hoạt động. Ở phía dưới, chọn thiết bị mà bạn muốn cài đặt ứng dụng này vào. Nếu bạn có nhiều thiết bị, bạn phải lặp lại các công đoạn này cho từng thiết bị một.
9. Xóa thiết bị khỏi dịch vụ Google Play
Khi chọn thiết bị mà bạn muốn cài đặt ứng dụng lên ở mẹo thứ 8, có thể bạn sẽ thấy thiết bị mà mình không còn sử dụng nữa. Bạn có thể xóa thiết bị này khỏi menu đó thông qua các bước sau:
Truy cập vào giao diện Cài đặt của trang web Google Play. Ở trang Các thiết bị của tôi, bạn chỉ cần bỏ tick các thiết bị mà bạn không muốn hiện lên ở trên menu. Sau đó, refresh lại trang web là bạn đã hoàn tất.

10. Lọc các ứng dụng thiết kế cho máy tính bảng


Tìm các ứng dụng được thiết kế hoặc tối ưu dành cho máy tính bảng trên Google Play rất dễ dàng. Ở ứng dụng CH Play trên máy tính bảng Android, hãy bấm vào phím Ứng dụng ở góc trên bên trái màn hình. Sao đó, hãy kéo màn hình sang bên trái để lộ mục "Được thiết kế cho máy tính bảng". Bạn còn có thể phân loại kỹ hơn bằng các tùy chọn "Mua nhiều nhất", "Miễn phí phổ biến nhất", v.v.